1. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Khi sinh, mẹ mất rất nhiều máu và năng lượng nên cần được bổ sung ngay dưỡng chất cần thiết để nhanh lại sức và có sữa cho bé bú.
Để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cả mẹ và bé, các sản phụ cần được bổ sung các thực phẩm như ngũ cốc, trứng, đậu, cá và thịt các loại, sữa bò, rau xanh, trái cây…
Việc ăn nhiều rau xanh và hoa quả không chỉ có tác dụng cung cấp vitamin và khoáng chất cho mẹ, giúp mẹ tăng sức đề kháng, nhanh phục hồi mà còn có tác dụng giúp cho việc tiêu hóa được tốt hơn.
Ngoài ra, khi mới sinh xong mẹ cũng đừng quá nóng lòng muốn giảm cân và lấy lại vóc dáng nhanh mà kiêng khem quá nhiều. Để hạn chế tăng cân sau sinh các chị em cũng nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, hạn chế đồ chiên xào và nên dùng dầu thực vật để chế biến thức ăn.
Đồng thời, việc chia các bữa ăn thành nhiều bữa ăn nhỏ cũng có tác dụng giúp mẹ hấp thụ các chất dễ dàng hơn và tránh cảm giác thèm ăn dẫn đến ăn nhiều.
2. Chăm sóc bầu vú
Sau 2 – 3 ngày sau khi sinh, bầu vú đã bắt đầu tiết ra sữa. Lúc này, mẹ nên cho bé bú nhiều lần để giảm cảm giác đau và khó chịu. Việc bú sữa thường xuyên của bé cũng có tác dụng kích thích việc sản xuất sữa tốt hơn, giúp tử cung mẹ co bóp tốt, sớm trở lại kích thước bình thường và sớm trở lại trạng thái tinh thần phấn chấn, thoải mái hơn.
Nếu mẹ bị tắc sữa mẹ có thể dùng khăn ấm chườm bầu vú trước khi cho bé bú và chườm lạnh sau khi xong; thực hiện một số động tác xoa bóp, massage nhẹ nhàng để sữa được lưu thông tốt hơn.
3. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ
Sau khi sinh, cơ thể mẹ sẽ tiết ra một chất còn gọi là sản dịch sau khi sinh. Thông thường, nếu cơ thể mẹ phục hồi nhanh và được vệ sinh tốt sản dịch sẽ biến mất sau 3 – 4 tuần.
Trong thời gian này, lượng sản dịch ra nhiều nên mẹ cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ vùng kín, tùy theo lượng sản dịch mà mẹ có thể thay băng để giữ cho âm đạo luôn khô thoáng, sạch sẽ. Nên tắm 3 – 4 lần/ngày bằng nước ấm, kể cả khi mùa hè, chú ý không nên tắm trong bồn tắm mà nên tắm dưới vòi hoa sen.
Trong trường hợp sản dịch ra ít hoặc không ra thì được xem là bất thường. Bởi lẽ nếu dịch không thoát ra được thì tử cung khó co lại, dễ bị nhiễm trùng máu hậu sản. Để tránh trường hợp này, sản phụ cần nằm bất động từ 8 – 10 giờ sau khi sinh. Nếu sinh mổ, thời gian này có thể kéo dài lên đến 12 tiếng.
Cần đến ngay bệnh viện ngay khi có bất cứ triệu chứng nào bất thường.
4. Chế độ nghỉ ngơi, luyện tập hợp lý
Sau khi sinh con, nhất là đối với những người lần đầu làm mẹ sẽ có rất nhiều sự thay đổi về cả trong cuộc sống lẫn tâm lý. Có nhiều người, do chuẩn bị về mặt tinh thần và kiến thức để làm mẹ chưa thật sự vững vàng cộng thêm có nhiều áp lực từ phía gia đình, người thân và gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc em bé . Từ đó, dẫn đến hiện tượng trầm cảm sau sinh ở nhiều mẹ.
Để tránh hiện tượng trên, ngoài việc bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ, các mẹ cần được nghỉ ngơi nhiều hơn. Có nghĩa là khi bé đi ngủ mẹ hoặc có người trông nom giúp mẹ có thể tranh thủ chợp mắt để hệ thống thần kinh được nghỉ ngơi.
Các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga cũng là những bài tập mẹ nên áp dụng lại sau sinh khoảng 2 – 3 tuần. Việc vận động nhẹ nhàng đó không chỉ giúp hệ vận động của mẹ được kích hoạt trở lại, trở nên nhanh nhẹn, dẻo dai hơn mà còn giúp cho mẹ có được tinh thần thư thái, lạc quan hơn.
Ngọc Linh