Dạy bé kiểm soát cảm xúc là một việc quan trọng mà các bậc phụ huynh cần làm đối với con mình ngay từ khi còn nhỏ để bé có thể tự chủ cảm xúc của mình tốt hơn trong cuộc sống hàng ngày. Vậy, làm thế nào để dạy bé kiểm soát cảm xúc một cách hiệu quả?
Lắng nghe bé
Giống như người lớn, khi bé có cảm giác buồn bực hay khó chịu, bé cũng cần được chia sẻ và lắng nghe. Vì vậy, điều đầu tiên bạn cần làm khi dạy bé kiểm soát cảm xúc là ở bên cạnh bé, lắng nghe cảm xúc, tâm trạng của bé để biết vì sao bé có những cảm xúc tiêu cực. Chỉ bằng cách lắng nghe, bạn mới biết con mình đang gặp phải vấn đề gì, bé cần gì để có thể giúp bé vui lên.
Trò chuyện cùng con
Sau khi đã lắng nghe, ba mẹ cần bình tĩnh trò chuyện cùng con cái để chia sẻ những cảm xúc cùng bé và giúp bé nhận ra đâu mới là cách cư xử hợp lý. Bạn nên giải thích cho bé hiểu những cảm xúc tiêu cực như tức giận, buồn bã là một phần của cuộc sống nhưng cư xử một cách tức tối lại là một điều không nên. Nếu bé không muốn nói chuyện cùng bạn, bạn có thể thử đề nghị bé nói chuyện với một ai khác mà cả bạn và bé đều tin tưởng.
Để bé trút giận
Để bé trút giận cũng là một trong những bí quyết để bạn dạy trẻ kiểm soát cảm xúc hiệu quả bởi bất kỳ ai khi bực tức cũng đều muốn được xả ra. Do đó, mỗi lần bé tức giận hay buồn bực, bạn có thể để bé khóc hoặc xả ra hết cơn tức giận của mình nếu bé muốn. Tuy nhiên, điều này cũng cần phải có giới hạn như không được để bé sử dụng ngôn ngữ không thích hợp, lăng mạ người khác. Như vậy, cảm xúc của bé vừa được cải thiện tốt hơn mà bạn lại có thêm cơ hội để hiểu bé nếu như cố gắng nghe hết những điều bé nói.
Dạy bé những kiến thức cơ bản về cảm xúc
Bạn nên dạy bé những kiến thức cơ bản về những loại cảm xúc quen thuộc như hạnh phúc, vui, buồn, giận dữ bằng cách cho bé những từ để diễn đạt các cảm xúc này. Bắt đầu từ những khái niệm đơn giản và sau đó là những khái niệm phức tạp hơn để con bạn có thể diễn tả cảm xúc của mình một cách chính xác nhất. Chỉ có như vậy thì bạn mới hiểu được những gì mà con mình đang cảm thấy trong cuộc sống hàng ngày.
Tôn trọng cảm xúc của bé
Để có thể dạy bé kiểm soát cảm xúc, bạn cần phải tôn trọng những cảm xúc của bé để giúp bé không bị tổn thương lòng tự trọng. Điều này sẽ khiến bé cảm thấy thoải mái hơn, tin tưởng vào bạn hơn để có thể dễ dàng mở lòng và chia sẻ những cảm xúc của mình. Ngược lại, nếu không được tôn trọng, bé sẽ có xu hướng tức giận hơn, dẫn tới không thể tự chủ được cảm xúc và hành vi của mình.
Đưa ra những quy tắc
Bạn nên đưa ra một vài quy tắc về những gì bé được làm và những gì bé không được làm khi có những cảm xúc tiêu cực. Nếu bé thực hiện tốt theo những quy tắc này, bạn nên khen ngợi, cổ vũ hoặc có những phần thưởng cho bé và ngược lại, khi bé không tuân theo hay phá vỡ các quy tắc, bạn cần phải nhắc nhở hay phạt bé ngay lập tức. Những hình phạt này có thể là mất một số đặc quyền như không được xem phim, ăn bánh kẹo hay đi chơi. Nhờ đó, con bạn sẽ tự mình cố gắng kiểm soát cảm xúc của bản thân một cách tốt hơn.
Thường Anh